Giáo Lý Viên-Giáo Xứ BÌNH XUYÊN
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

7 Bí Tích Kito Giao

Go down

7 Bí Tích Kito Giao Empty 7 Bí Tích Kito Giao

Bài gửi  admin Mon Feb 13, 2012 11:24 pm

BÍ TÍCH RỬA TỘI

I. LỜI CHÚA
“Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí.” (Ga 3,5)
II. TRÌNH BÀY
Trong cuộc đàm thoại với ông Nicôđêmô, Chúa Giêsu bảo: “Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3,5). Thế rồi, trước khi về trời, Chúa truyền cho các tông đồ rằng: “Anh em hãy đi đến với muôn dân, làm phép rửa cho họ, nhân Danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Hai lời này nói lên tầm quan trọng của phép Rửa tội, cũng như điều kiện để lãnh nhận Bí tích Rửa tội.
1. Bí tích Rửa tội là gì?
Là Bí tích Chúa Giêsu đã lập cho ta được tha tội nguyên tổ và các tội ta phạm trước khi lãnh nhận Bí tích ấy; đồng thời, thông ban sự sống siêu nhiên cho ta được làm con Chúa và con Hội Thánh.
Làm con Chúa: tội lỗi làm tắc nghẽn mạch sống siêu nhiên Thiên Chúa đổ vào lòng ta. Giờ đây, nhờ phép Rửa, mạch sống ấy được khai thông, sự sống Thiên Chúa lại chảy vào linh hồn ta. Như thế, nhờ Bí tích Rửa tội, ta trở thành con cái Chúa, đáng được hưởng gia nghiệp trên trời.
Làm con Hội Thánh: Hội Thánh là thân thể mầu nhiệm (nhiệm thể) của Chúa Giêsu, có Chúa là đầu, các tín hữu là chi thể. Khi một người lãnh nhận Bí tích Rửa tội, người ấy được tháp nhập vào nhiệm thể. Hơn nữa chính Hội Thánh cử hành Bí tích Rửa tội, thông ban cho người ấy sự sống siêu nhiên. Vì thế, người ấy cũng được làm con Hội Thánh.
2. Bí tích Rửa tội liên hệ với cuộc Tử nạn và Phục sinh của Chúa Giêsu thế nào?
Chúa Giêsu đã chết, được mai táng trong mồ rồi sống lại. Người lãnh nhận Bí tích Rửa tội phải như chết đi với tội lỗi, chịu mai táng với Chúa Giêsu, rồi mới hy vọng sống lại với Chúa (xưa kia người chịu phép Rửa phải ngụp lặn trong hồ nước như chôn trong mồ). Vì thế, cuộc Tử nạn - Phục sinh của Chúa Giêsu là nguyên nhân, là sức mạnh và là gương mẫu việc chết đi và sống lại của người tín hữu.
3. Người lãnh nhận Bí tích Rửa tội thề hứa những gì?
Thề hứa từ bỏ ma quỷ, từ bỏ những cái thuộc ma quỷ, xa lánh tội lỗi; thề hứa tin theo Chúa Kitô và tuân giữ lề luật của Người.
III. BÀI HỌC
85. H. Bí tích Rửa tội có cần thiết không?
T. Bí tích Rửa tội rất cần thiết như lời Chúa phán: “Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3,5).
86. H. Bí tích Rửa tội ban cho ta những ơn nào?
T. Bí tích Rửa tội tha tội tổ tông và tội riêng, làm cho ta trở nên con Chúa và con Hội Thánh.
87. H. Người lãnh nhận Bí tích Rửa tội thề hứa những gì?
T. Họ thề hứa từ bỏ ma quỷ và tin theo Chúa Kitô.
IV. THÁI ĐỘ SỐNG
Tôi quyết từ bỏ mọi ham mê tội lỗi để xứng đáng là môn đệ Chúa Kitô.
V. CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, Bí tích Rửa tội cho con được làm con Chúa và con Hội Thánh. Xin cho con chuẩn bị tâm hồn xứng đáng lãnh nhận Bí tích cao trọng này.
admin
admin
Admin

Tổng số bài gửi : 107
Join date : 08/07/2011
Age : 33
Đến từ : Ho Chi Minh city

https://glv-bx.forumvi.com

Về Đầu Trang Go down

7 Bí Tích Kito Giao Empty BÍ TÍCH THÁNH THỂ

Bài gửi  admin Mon Feb 13, 2012 11:26 pm

BÍ TÍCH THÁNH THỂ

LỜI CHÚA : Ga 6,48-51.
“Bánh Tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây,
để cho thế gian được sống” (Ga 6,51)

BÀI HỌC :
Bí tích Thánh Thể là việc Chúa Giêsu ban mình cho chúng ta qua hy tế thập giá dưới hình bánh rượu để trở thành lương thực thiêng liêng nuôi dưỡng con người.

1* Chúa Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể lúc nào?
Đức Giêsu chọn lễ Vượt Qua để thực hiện điều Người đã loan báo là ban Mình và Máu Người làm lương thiêng nuôi sống các môn đệ (x.Lc 22,7-20; Mt 16,17-29; Mc 14,12-25; 1Cr 11,23-26). Vào cuối bữa tiệc, Đức Giêsu làm một cử chỉ báo trước hy tế thập giá mà Người sẽ dâng ngày hôm sau bằng cách biến đổi bánh và rượu thành Thịt và Máu Người làm lễ vật dâng lên Chúa Cha, rồi bẻ ra phân chia cho các môn đệ và truyền cho các ông phải năng làm việc đó để tưởng niệm cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Người.

Như thế Đức Giêsu muốn để lại cho Hội Thánh một hy tế hữu hình vì bản tính con người cần như vậy. Hy tế đẫm máu đã được thực hiện một lần duy nhất trên thập giá sẽ được cử hành luôn mãi, đem lại ơn cứu độ cho con người.

2* Chúa Kitô có hiện diện thực trong bí tích Thánh Thể không?
“Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết, đã sống lại và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta” (Rm 8,34). Tuy nhiên, đối với Hội Thánh, Người vẫn hiện diện dưới nhiều hình thức: Lời Chúa, kinh nguyện, người nghèo, Phụng Vụ, bí tích, thừa tác viên... nhưng đặc biệt là trong Thánh Thể dưới hình bánh và rượu. Khi linh mục cầm lấy bánh và rượu, đọc lời Truyền Phép thì bánh rượu không còn là bánh rượu nữa nhưng đã trở thành Thịt Máu Chúa. Linh mục đọc lời Truyền Phép nhưng hiệu quả và ân sủng là do quyền năng Thánh Thần. Dấu chỉ hữu hình không thể thiếu của bí tích Thánh Thể là bánh rượu và lời Truyền Phép.

Chúa Kitô hiện diện trong Thánh Thể bao lâu hình bánh rượu còn tồn tại. Chúa Kitô hiện diện trọn vẹn trong hình bánh hoặc hình rượu, và trong bất cứ phần nhỏ bé nào cũng có trọn vẹn Chúa Kitô. Khi Rước Lễ là chúng ta đón nhận sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô nhưng chỉ một chốc lát thôi vì bánh rượu sẽ tan ngay, song sự hiện diện thiêng liêng của Chúa vẫn kéo dài.

Hội Thánh bảo quản Mình Thánh Chúa trong Nhà Tạm để có sẵn Thánh Thể cho các bệnh nhân và những người vắng mặt, và cũng để cho các tín hữu tôn thờ khi không cử hành Thánh Lễ.

3* Bí tích Thánh Thể ban cho ta những ơn gì ?
• Việc rước lễ giúp tăng triển sự hiệp thông với Chúa Kitô. Sự hiệp nhất với Chúa Giêsu đã bắt đầu trong Thánh Tẩy, nay đạt tới đỉnh cao trong Thánh Thể qua việc tiếp rước Mình Thánh Chúa. Như của ăn vật chất mang lại sự sống cho thân xác thế nào, việc rước lễ cũng đem lại sự sống kỳ diệu cho đời sống thiêng liêng như vậy. Một khi đã hiệp nhất với Chúa Giêsu, đời sống tâm linh của chúng ta trở nên vững mạnh, giúp vượt thắng và xa lánh tội lỗi.
• Sự hiệp nhất với Chúa Giêsu trong Thánh Thể đưa tới sự hiệp nhất giữa các tín hữu với nhau, làm nên Hội Thánh (x.1Cr 10,16-17).Trong bí tích Thánh Thể, chúng ta được mời gọi trở thành một thân thể duy nhất mà Đức Kitô là Đầu, còn chúng ta là chi thể, vì cùng chia sẻ một tấm bánh là thân mình Chúa Giêsu.
• Bí tích Thánh Thể là một bảo chứng chắc chắn cho vinh quang Nước Trời sau này, cho việc Phục Sinh thân xác cát bụi của chúng ta. Là con người, chúng ta cần lương thực trần thế để sống nhưng sự sống ấy cũng có giới hạn; là con Thiên Chúa, chúng ta cần được lương thực thần linh để sống và tồn tại mãi mãi. Nếu Đức Kitô chỉ là người thì thịt máu Ngài cũng chỉ là lương thực trần gian, song Đức Kitô còn là Thiên Chúa, và hai bản tính này không tách biệt nhau nên Thịt Máu Ngài cũng chính là sự sống thần linh.

4* Phải làm gì để được lãnh nhận Thánh Thể ?
Chúa Giêsu khẩn thiết mời gọi chúng ta đón rước Người trong bí tích Thánh Thể: “Thật, Tôi bảo thật các ông : nếu các ông không ăn Thịt và uống Máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình” (Ga,53). Để chuẩn bị cho giây phút cực trọng này, chúng ta phải xét mình (x.1Cr 11,27-29), ai biết mình đang mắc tội trọng thì phải lãnh nhận bí tích Hoà Giải (Xưng Tội) trước khi rước lễ, phải giữ chay Thánh Thể (kiêng ăn uống trước một giờ), và khiêm tốn xin Chúa biến đổi tâm hồn mình cho xứng đáng (sám hối, Mt 8,Cool. Tiếng ‘AMEN’ mà chúng ta thưa trước khi Rước Lễ là một lời tuyên xưng đức tin – ‘Vâng, con tin đây là Mình Thánh Chúa Kitô’ – và một ước muốn tiếp nhận Chúa Kitô. Mỗi ngày Hội Thánh cho phép Rước Lễ một lần, nếu ai tham dự thánh lễ thứ hai thì được phép thêm một lần nữa (tối đa là hai lần mỗi ngày).
Bí tích Thánh Thể là trung tâm và cao điểm của đời sống Hội Thánh.

CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa Giêsu, con ao ước mau đến ngày con được rước Chúa vào lòng để con sống nhưng không còn phải là con sống mà là chính Chúa sống và hoạt động trong con (Gl 2,20).

TÓM LƯỢC :
1* Bí tích Thánh Thể là gì ?
- Bí tích Thánh Thể là việc Chúa Giêsu ban mình cho ta qua hy tế thập giá dưới hình bánh và rượu để trở thành lương thiêng nuôi dưỡng con người.
2* Bí tích Thánh Thể được cử hành thế nào ?
- Bí tích Thánh Thể được cử hành trong Thánh Lễ khi linh mục cầm lấy bánh và rượu, đọc lời Truyền Phép thì bánh và rượu trở thành Mình và Máu Chúa.
3* Chúa Giêsu hiện diện thế nào trong bí tích Thánh Thể ?
- Trong bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu hiện diện thực sự với đầy đủ nhân tính và thần tính của Người.
4* Bí tích Thánh Thể ban cho ta những ơn gì ?
- Bí tích Thánh Thể giúp tăng triển sự hiệp thông với Chúa và với nhau, và là một bảo chứng chắc chắn cho sự sống đời đời.
5* Muốn lãnh nhận Thánh Thể thì phải làm gì ?
- Muốn lãnh nhận Thánh Thể thì phải sạch tội và kiêng ăn uống trước một giờ. Nếu là tội nhẹ thì chỉ cần ăn năn sám hối, còn tội nặng thì phải xưng tội rồi mới được Rước Lễ.

admin
admin
Admin

Tổng số bài gửi : 107
Join date : 08/07/2011
Age : 33
Đến từ : Ho Chi Minh city

https://glv-bx.forumvi.com

Về Đầu Trang Go down

7 Bí Tích Kito Giao Empty BÍ TÍCH THÊM SỨC

Bài gửi  admin Mon Feb 13, 2012 11:29 pm

BÍ TÍCH THÊM SỨC

LỜI CHÚA : Cv 19,1-7.
“Họ chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. Và khi ông Phaolô đặt tay trên họ, thì Thánh Thần ngự xuống trên họ” (Cv 19,5-6)

BÀI HỌC :
Bí tích Thêm Sức là dấu chỉ nhận lãnh ơn Chúa Thánh Thần để tăng trưởng và làm chứng cho Chúa.

1* Bí tích Thêm Sức ban những ơn gì ?
Bí tích Thêm Sức không ban ơn gì mới, song giúp tăng trưởng các ơn đã lãnh nhận trong bí tích Thánh Tẩy:
- Giúp ta trưởng thành trong đời sống thiêng liêng làm con Thiên Chúa (x.Rm 8,15).
- Giúp kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô hơn (x.1Cr 12,3), và tham gia gắn bó với đời sống Giáo Hội (x.1Cr 12,4-13.27-30).
- Giúp làm chứng cho Chúa Kitô bằng cách xây dựng Nước Thiên Chúa qua cuộc sống tốt lành của mình, gọi là truyền giáo (ánh sáng trần gian, muối cho đời [x.Mt 5,13-16], men trong bột [x.Lc 13,20-21]).
Bí tích Thêm Sức cũng ghi một dấu ấn thiêng liêng của Chúa Thánh Thần không thể tẩy xóa nên chỉ lãnh nhận một lần.

2* Ai có quyền ban và nhận ?
• Thừa tác viên thông thường của bí tích Thêm Sức là Đức Giám Mục. Ngoài ra, những linh mục nào được ủy quyền có thể ban bí tích Thêm Sức hoặc khi linh mục Rửa Tội cho người lớn thì được quyền ban bí tích Thêm Sức ngay sau đó, hoặc khi có người tín hữu nào đang nguy tử mà chưa nhận phép Thêm Sức.
• Trẻ em đến tuổi biết phán đoán được quyền lãnh nhận bí tích Thêm Sức, hoặc trong trường hợp nguy tử, Hội Thánh vẫn ban bí tích này cho trẻ em dù chưa đến tuổi biết phán đoán. Như thế người lớn khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy thì phải được lãnh nhận ngay bí tích Thêm Sức là một trong ba bí tích khai tâm Kitô giáo.
• Để lãnh nhận bí tích Thêm Sức, người tín hữu phải hiểu biết giáo lý, phải ở trong tình trạng ân sủng, nghĩa là sạch tội. Cũng như bí tích Thánh Tẩy, nên có một người đỡ đầu để được trợ giúp trong đời sống thiêng liêng, nên chọn chính người đỡ đầu Rửa Tội để nhấn mạnh sự thống nhất của hai bí tích này.

3* Trao ban bí tích Thêm Sức như thế nào ?
Nghi thức chính yếu của bí tích Thêm Sức được trao ban bằng việc đặt tay (GM hay LM giơ tay trên đầu tân tòng) và đọc lời cầu xin ơn Chúa Thánh Thần, kèm theo việc xức dầu thánh trên trán và đọc lời này: “...Hãy nhận lấy ấn tín ơn Chúa Thánh Thần”.
Vai trò của Chúa Thánh Thần rất quan trọng trong đời sống Kitô hữu, giúp đổi mới con người và đi sâu vào đời sống tâm linh.

CẦU NGUYỆN :
Lạy Thánh Thần Thiên Chúa, mặc dù con chưa phải là con cái Thiên Chúa, song Ngài vẫn trợ giúp con để hạt giống đức tin mỗi ngày một triển nở. Xin Chúa Thánh Thần là sức mạnh tăng trưởng giúp con sống Tin Mừng mà con đang học hỏi.

TÓM LƯỢC :
1* Bí tích Thêm Sức là gì ?
- Bí tích Thêm Sức là dấu chỉ nhận lãnh ơn Chúa Thánh Thần để tăng trưởng và làm chứng cho Chúa.
2* Bí tích Thêm Sức ban cho ta những ơn gì ?
- Bí tích Thêm Sức ban cho ta những ơn này: một là ơn tăng trưởng, hai là ơn kết hiệp với Chúa và gắn bó với Hội Thánh, ba là ơn làm chứng cho Chúa.
3* Nghi thức chính yếu của bí tích Thêm Sức là gì ?
- Nghi thức chính yếu của bí tích Thêm Sức là đặt tay và đọc lời cầu xin ơn Chúa Thánh Thần, rồi xức dầu thánh.
4* Khi đã được Thêm Sức, ta phải có những bổn phận nào ?
- Khi đã được ơn Chúa Thánh Thần, ta phải có ba bổn phận này: một là can đảm thực hành Lời Chúa, hai là góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phúc Âm, ba là bênh vực và truyền bá đức tin cho mọi người.




admin
admin
Admin

Tổng số bài gửi : 107
Join date : 08/07/2011
Age : 33
Đến từ : Ho Chi Minh city

https://glv-bx.forumvi.com

Về Đầu Trang Go down

7 Bí Tích Kito Giao Empty BÍ TÍCH TRUYỀN CHỨC

Bài gửi  admin Mon Feb 13, 2012 11:31 pm

BÍ TÍCH TRUYỀN CHỨC


LỜI CHÚA :
“Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì bây giờ Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21)

BÀI HỌC :
“Truyền Chức thánh là bí tích qua đó sứ mạng Chúa Kitô ủy thác cho các tông đồ tiếp tục được thực hiện trong Hội Thánh cho đến tận thế” (GLHTCG 1536).

1* Có mấy bí tích Truyền Chức Thánh ?
Chỉ có một bí tích Truyền Chức Thánh nhưng có ba cấp :
• Giám Mục: là người có chức thánh tròn đầy nhất vì các ngài kế vị các tông đồ do việc đặt tay (tông truyền).
• Linh Mục: là cộng sự viên của giám mục, được tham dự vào sứ mạng phổ quát mà Đức Kitô trao cho các tông đồ.
• Phó Tế: là người được Đức Giám Mục cắt đặt để phục vu trong một lãnh vực nào đó. Một trong các phận vụ Phó Tế là phụ giúp các giám mục và linh mục trong việc cử hành mầu nhiệm thánh, nhất là thánh lễ, trao Mình Thánh Chúa, chứng hôn, Rửa Tội, công bố và rao giảng Tin Mừng, chủ toạ lễ nghi an táng và đặc biệt là việc bác ái.
Có hai loại Phó Tế : Phó Tế vĩnh viễn có thể được ban cho người có gia đình, và Phó Tế chuyển tiếp (thừa tác) được ban cho những người nam độc thân chuẩn bị lên chức linh mục.

2* Có mấy chức Tư tế ?
Đức Kitô là Đấng trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người nên chỉ có một chức tư tế duy nhất của Đức Kitô.
Mọi Kitô hữu đều được tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô, gọi là chức tư tế cộng đồng; riêng gíám mục và linh mục được tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô cách đặc biệt nhằm phục vụ chức tư tế cộng đồng nên gọi là chức tư tế thừa tác.

Sự hiện diện của Chúa Kitô qua những người có chức thánh trở nên hữu hình giữa cộng đoàn tín hữu. Khi linh mục cử hành Phụng Vụ hay ban bí tích đúng nghi thức thì có sự bảo đảm là ngay cả tội lỗi của linh mục cũng không thể ngăn cản sự xuất hiện của ân sủng (hiệu quả do sự), còn linh mục hoặc tín hữu có đón nhận được ân sủng hay không là tuỳ thuộc tình trạng tâm hồn của mỗi người (hiệu quả do nhân).

3* Nghi thức Truyền Chức gồm những gì ?
Nghi thức chính yếu của bí tích Truyền Chức là việc Giám Mục đặt tay cùng với lời nguyện phong chức xin Thiên Chúa ban ơn Thánh Thần để chu toàn thừa tác vụ sắp lãnh nhận (các chức Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế đều có lời nguyện phong chức riêng). Các nghi thức phụ khác chỉ là diễn nghĩa điều đã được phong ban.

4* Những ai được Truyền Chức thánh ?
Chỉ có Giám Mục, với tư cách là người kế nhiệm các tông đồ, mới có quyền ban bí tích Truyền Chức thánh.

Chỉ người nam đã chịu phép Rửa Tội mới được lãnh nhận bí tích Truyền Chức cách thành sự, bởi vì Chúa Giêsu đã chọn những người nam để lập Nhóm Mười Hai nên Hội Thánh bây giờ bị ràng buộc bởi sự chọn lựa ấy. Trong Giáo Hội Tây Phương, trừ Phó tế vĩnh viễn, mọi thừa tác viên có chức thánh thường được tuyển chọn từ những người nam sống độc thân và có ý giữ độc thân vì Nước Trời (x.Mt 19,12). Còn trong Giáo Hội Đông Phương, vẫn giữ truyền thống: chỉ chọn làm Giám mục trong số những người độc thân, còn Linh mục và Phó Tế có thể được tuyển chọn trong những người đã lập gia đình.

5* Bí tích Truyền Chức ban những ơn gì ?
- Ấn tín vĩnh viễn ở mỗi cấp bậc nhằm ban quyền thiêng liêng (khi đã lãnh nhận chức thánh thì không bao giờ mất).
- Ơn Chúa Thánh Thần để trở thành thừa tác viên của Chúa Kitô là Thượng Tế, Thầy Dạy và Mục Tử.

6* Tu sĩ là ai ?
Tu sĩ là người truy tầm sự toàn thiện bằng các phương thế hữu hiệu là các lời khấn Phúc Âm : Khiết tịnh, Nghèo khó và Vâng phục trong một Tu Hội hay Hội Dòng chính thức của Hội Thánh. Tu sĩ có thể là người được Truyền Chức thánh (giáo sĩ). Dù Hội Thánh có đề cao bậc sống tu trì nhưng Khấn Dòng không phải là một bí tích, mà chỉ cốt phát triển tới mức tối đa ơn đã lãnh nhận trong bí tích Thánh Tẩy.
Cổ võ cho ơn gọi linh mục và tu sĩ là bổn phận của toàn thể cộng đồng Kitô giáo. Gia đình là những vườn ươm đầu tiên các ơn gọi của Hội Thánh.

CẦU NGUYỆN :
Lạy Thiên Chúa chí nhân, con đang tìm hiểu để tin vào Chúa, nhưng còn biết bao người nữa chưa tin nhận Chúa. Làm sao họ có thể tin vào Chúa nếu không được nghe rao giảng, và rao giảng thế nào được nếu không có người rao giảng (x.Rm 10,14). Xin Chúa cho nhiều người đáp lại tiếng Chúa để vào làm việc trong vườn nho của Chúa.

TÓM LƯỢC :
1* Bí tích Truyền Chức Thánh là gì ?
- Bí tích Truyền Chức Thánh là bí tích qua đó sứ mạng Chúa Kitô ủy thác cho các tông đồ tiếp tục được thực hiện trong Hội Thánh cho đến tận thế.

2* Nghi thức chính yếu của bí tích Truyền Chức Thánh là gì ?
- Nghi thức chính yếu là việc Đức Giám Mục đặt tay và đọc lời nguyện phong chức.

3* Tu sĩ là ai ?
- Tu sĩ là tín hữu có ba lời khấn Phúc Âm là khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục trong một Hội Dòng chính thức của Hội Thánh.

admin
admin
Admin

Tổng số bài gửi : 107
Join date : 08/07/2011
Age : 33
Đến từ : Ho Chi Minh city

https://glv-bx.forumvi.com

Về Đầu Trang Go down

7 Bí Tích Kito Giao Empty Bí tích XỨC DẦU BỆNH NHÂN

Bài gửi  admin Mon Feb 13, 2012 11:38 pm

Bí tích XỨC DẦU BỆNH NHÂN

LỜI CHÚA : Gc 5,14-15.
“Ai trong anh em đau yếu ư ? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân Chúa” (Gc 5,14)

BÀI HỌC :
Bí tích Xức Dầu bệnh nhân là ơn nâng đỡ bệnh nhân và người già yếu về phần hồn cũng như phần xác. Bằng việc đặt tay, xức dầu thánh và lời cầu nguyện của linh mục, Hội Thánh phó thác các bệnh nhân cho Chúa Kitô đau khổ và vinh hiển để Người an ủi và cứu độ họ.

1* Vì sao phải xức dầu bệnh nhân ?
Bệnh tật và đau khổ có thể làm cho con người xao xuyến, bi quan, đôi khi đưa tới tuyệt vọng và nổi loạn chống lại Thiên Chúa. Chúa Kitô, Lương Y, tận tâm chữa lành con người cả hồn lẫn xác (chữa bệnh và tha tội) biết cách liên kết chúng ta với cuộc khổ nạn cứu độ của Người.

2* Những ai được ban và được nhận bí tích Xức Dầu bệnh nhân?
Chỉ có linh mục (hay giám mục) mới có quyền ban bí tích Xức Dầu bệnh nhân.

Xức dầu bệnh nhân không phải chỉ là bí tích dành cho những người hấp hối, thế nên, thời gian thích hợp để lãnh nhận khi người tín hữu bắt đầu đau nặng hay nguy tử vì bệnh tật hay già yếu. Trong cùng một cơn bệnh, có thể lãnh nhận bí tích này nhiều lần, cứ mỗi lần trở nặng. Trước khi chịu đại phẫu, hoặc người lớn tuổi, suy yếu cũng nên lãnh nhận bí tích Xức Dầu bệnh nhân.

3* Nghi thức xức dầu bệnh nhân gồm những gì ?
Như các bí tích khác, bí tích Xức Dầu bệnh nhân cũng là một cử hành phụng vụ có tính cộng đoàn, dù được cử hành riêng tư. Nếu hoàn cảnh cho phép nên cử hành bí tích Giải Tội trước khi ban bí tích Xức Dầu (có thể ban ơn Toàn Xá), và tiếp sau đó là trao Thánh Thể như của ăn đàng để bước vào cuộc sống vĩnh cửu.

Nghi thức chính yếu là linh mục đặt tay trên bệnh nhân và đọc lời nguyện xin Thiên Chúa nhờ sức mạnh của Thánh Thần sẽ chữa trị linh hồn bệnh nhân, và nếu Chúa muốn thì thể xác cũng được chữa lành. Kế đến, linh mục lấy Dầu bệnh nhân (OI) xức trán và đọc: “Nhờ việc xức Dầu Thánh này, và nhờ lòng từ bi nhân hậu của Chúa, xin Chúa dùng ơn Chúa Thánh Thần mà giúp đỡ con. AMEN. (sau đó xức hai tay:) Để Người giải thoát con khỏi mọi tội lỗi, cứu chữa con và thương làm cho con thuyên giảm. AMEN”.

4* Bí tích Xức Dầu bệnh nhân ban những ơn gì ?
- Ân sủng trợ giúp đặc biệt của Chúa Thánh Thần để thêm tin tưởng, bình an và phó thác trong tay Chúa.
- Kết hiệp với Đức Kitô chịu khổ nạn để sinh ơn cứu độ.
- Ân sủng mang tính Hội Thánh vì trong sự hiệp thông cả Hội Thánh cầu nguyện cho bệnh nhân.
- Chuẩn bị cho cuộc ra đi lần cuối, giúp họ an tâm trong cuộc chiến đấu cuối cùng trước khi về Nhà Cha.
Cũng như Thánh Tẩy, Thêm Sức và Thánh Thể hợp thành “ba bí tích khai tâm Kitô giáo”, thì Giải Tội, Xức Dầu bệnh nhân và Thánh Thể hợp thành “các bí tích chuẩn bị về Quê trời” hay là “các bí tích hoàn tất cuộc lữ hành trần thế”.

CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa Giêsu, trên giường bệnh, ai cũng lo âu sợ hãi. Xin cho các bệnh nhân biết tin tưởng, phó thác, và cùng đau khổ với Chúa để cùng sống lại với Chúa trong vinh phúc đời đời.

TÓM LƯỢC :
1* Bí tích Xức Dầu bệnh nhân là gì ?
- Bí tích Xức Dầu bệnh nhân là việc Hội Thánh cầu nguyện nâng đỡ bệnh nhân hay người già yếu về phần hồn cũng như phần xác.
2* Bí tích Xức Dầu bệnh nhân ban cho ta những ơn gì ?
- Bí tích Xức Dầu bệnh nhân ban cho ta những ơn này: một là thêm ơn tin tưởng phó thác cho Chúa; hai là kết hiệp với cuộc khổ nạn của Chúa để sinh ơn cứu độ; ba là cả Hội Thánh cùng hiệp thông cầu nguyện cho bệnh nhân; bốn là chuẩn bị cho cuộc ra đi cuối cùng được tốt đẹp.
3* Nghi thức Xức Dầu bệnh nhân gồm những gì ?
- Nghi thức chính yếu của bí tích Xức Dầu bệnh nhân là việc linh mục đặt tay, cầu xin ơn Chúa Thánh Thần, rồi xức dầu bệnh nhân.
admin
admin
Admin

Tổng số bài gửi : 107
Join date : 08/07/2011
Age : 33
Đến từ : Ho Chi Minh city

https://glv-bx.forumvi.com

Về Đầu Trang Go down

7 Bí Tích Kito Giao Empty BÍ TÍCH HOÀ GIẢI

Bài gửi  admin Mon Feb 13, 2012 11:40 pm

BÍ TÍCH HOÀ GIẢI

LỜI CHÚA :
“Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.
Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha”
(Ga 20,23).

BÀI HỌC :
Bí tích Hoà Giải là dấu chỉ Chúa Giêsu đã lập để tha các tội ta đã phạm cùng giao hòa ta với Thiên Chúa và mọi người. Bí tích này có nhiều tên gọi: bí tích Hoán Cải, Sám Hối, Xưng Tội, Tha Tội, Giải Tội ...

I . BÍ TÍCH HOÀ GIẢI BAN CHO TA NHỮNG ƠN GÌ ?
Khi được Thánh Tẩy, chúng ta đã trở nên tạo vật mới nhưng bản chất con người vốn yếu đuối thường hay sa ngã nên cần được phục hồi qua bí tích Giải Tội (x.1Cr 6,11; 1Ga 1,Cool.
- Xưng Tội là để được tha tội nhằm giao hòa với Thiên Chúa và mọi người. Cao điểm của bí tích này chính là để giao hòa, gặp gỡ Thiên Chúa và con người; được sạch tội là để tạo điều kiện cho sự gặp gỡ thân mật ấy.
- Bí tích Giải Tội còn ban ơn trợ giúp hối nhân vượt thắng tội lỗi. Do đó, dù khi chỉ phạm tội nhẹ, chúng ta cũng cần đến bí tích này để lãnh nhận ơn trợ giúp của Chúa.

II - MUỐN XƯNG TỘI PHẢI LÀM NHỮNG VIỆC GÌ?
1) Xét mình :
Trước khi kiểm điểm đời sống, có thể đọc kinh Xét mình (trang 13) để xin Chúa soi sáng.
Có nhiều cách xét mình:
a) Dựa vào Lời Chúa để xét xem chúng ta còn thiếu sót những gì có thể rút ra từ Lời Chúa, nhất là những bản văn liên quan đến thống hối, luân lý ?
b) Dựa vào 3 tương quan với Thiên Chúa, với anh chị em và với chính mình, xem còn thiếu sót những bổn phận gì ?

* Đối với Thiên Chúa:
Tôi thường lỗi bổn phận với Thiên Chúa vì những lỗi sau đây liên quan đến đức tin ,đức cậy và đức mến:
- Hoài nghi những điều Thiên Chúa và Hội Thánh dạy ... lần.
- Hổ thẹn không dám tỏ ra mình là Kitô hữu...
- Tin dị đoan, bói toán ...
- Quá cậy sức mình ...
- Thất vọng, thiếu trông cậy nơi Chúa ...
- Còn tội trọng chưa xưng mà vẫn rước lễ ...
- Bỏ lễ ngày Chúa Nhật ...
- Bỏ cầu nguyện sáng tối ...
- Bỏ xưng tội một năm ...
- Không rước lễ trong mùa Phục Sinh

* đối với tha nhân :
Tôi thường hay lỗi phạm đến tha nhân trong các bổn phận bác ái, công bình và trong sạch:
- Không yêu mến, tôn kính, vâng phục cha mẹ hay người trên …
- Không chăm sóc, dạy dỗ và làm gương cho con cái …
- Thiếu bổn phận bác ái, giúp đỡ người cùng khốn …
- Giết người hoặc gây thương tích …
- Tự sát hay có ý tự tử …
- Giận hờn, oán thù, nói xấu, hại người khác..
- Vu oan cho người khác …
- Làm gương xấu …
- Trộm cắp … Gian lận … Lấy lời quá mức …
- Nhận hối lộ … Lấy của công … Làm hư hại tài sản chung …
- Không trả nợ, Không hoàn trả của lượm được
- Trả tiền công không xứng đáng …
- Trốn thuế ...
- Tham lam … Mơ ước chiếm của người khác
- Nói dối … Lường gạt … Làm chứng gian …
- Tiết lộ điều phải giữ kín …
- Làm mất danh dự của người khác …
- Phá thai hoặc cộng tác vào việc phá thai …
- Ngoại tình …
- Có những hành động dâm ô với người khác .

* đối với bản thân:
- Không chăm lo sức khoẻ ...
- Ăn chơi trụy lạc …
- Có những ý nghĩ và ước muốn không trong sạch, hoặc thủ dâm ......
- Không luyện tập và phát triển các đức tính tốt
c) Dựa vào Kinh 10 Giới Răn Thiên Chúa và 6 điều răn Hội Thánh (trang 11) để rà xét lại đời sống.

2) Ăn năn tội :
Sám hối là “đau đớn trong lòng và chê ghét tội đã phạm, dốc lòng chừa từ nay không phạm nữa” (DS 1676).
Có thể đọc kinh Thú nhận, hay kinh Ăn năn tội (trang 13).

3) Xưng tội :
Thú tội là nhận mình có tội, có trách nhiệm về tội đã phạm và sẵn sàng hoà giải. “Khi cố ý xưng hết tội nhớ được, người tín hữu trông cậy vào lòng thương xót của Thiên Chúa để được Người tha thứ. Ai cố tình giấu tội, người ấy không sẵn sàng đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa qua trung gian linh mục. Vì nếu bệnh nhân xấu hổ không cho thầy thuốc coi vết thương thì làm sao chữa được” (Trentô, DS 1680).
“Dù không bó buộc, Hội Thánh vẫn khuyên các tín hữu nên xưng các lỗi thường ngày (các tội nhẹ). Việc năng xưng các tội nhẹ giúp chúng ta rèn luyện lương tâm, giúp chiến đấu chống lại các khuynh hướng xấu, sẵn sàng để Đức Kitô chữa lành và tiến tới trong đời sống theo Thánh Thần” (GLHTCG 1458).
Khi vào tòa giải tội có thể nói như sau:
Làm Dấu Thánh Giá: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.
“Thưa cha, con xưng tội cách đây ... (mấy tuần hay mấy tháng, mấy năm), mọi việc con đã làm, bây giờ con muốn xưng thú tội lỗi của mình.
-Thưa cha, trong đời sống tương quan với Chúa, con có ... lần.
-Trong đời sống bổn phận với mọi người, con đã … lần. …
-Trong bổn phận đối với bản thân, con có …
* Thưa cha, con đã xưng xong. (và con muốn xưng cả những tội quên sót, xin cha dùng quyền của Hội Thánh mà tha tội cho con.)”

4) Nghe lời xá giải :
Sau khi nghe lời thú tội, linh mục sẽ hướng dẫn và khuyên giải, ra việc đền tội và đọc lời tha tội :
“Thiên Chúa là Cha hay thương xót, đã nhờ sự chết và sống lại của Con Chúa mà giao hòa thế gian với Chúa và ban Thánh Thần để tha tội. Xin Chúa dùng tác vụ của Hội Thánh mà ban cho con ơn tha thứ và bình an, vậy cha tha tội cho con nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.
Hối nhân thưa: AMEN.
Linh Mục: Chúc (con) ra về bằng an!
Hối nhân thưa: Cám ơn cha. Hoặc: Tạ ơn Chúa.

5) Đền tội :
Sau khi ra khỏi toà giải tội, hối nhân đọc những Kinh hoặc làm những việc mà cha giải tội đã chỉ bảo, làm lúc đó hay để lúc khác. Việc đền tội chỉ có tính sám hối và tạ ơn, và quan trọng là quyết tâm chừa cải hoặc làm một điều gì đó cho thật tốt. Riêng về những tội phạm đến sự công bằng, dù đã được tha song còn đòi buộc chúng ta phải đền bù thiệt hại về vật chất cũng như tinh thần. Cuối cùng nên đọc Kinh Lạy Cha trong tâm tình giao hoà với Thiên Chúa.
Tóm lại, dấu chỉ hữu hình của bí tích Hoà Giải là việc sám hối và lời tha tội. Việc sám hối biểu lộ qua các trình tự : xét mình, ăn năn tội, xưng tội và đền tội.

III . ẤN TOÀ GIẢI TỘI
Tác vụ Giải Tội rất cao trọng đòi hỏi cha giải tội phải tôn trọng và tế nhị đối với người xưng tội. Hội Thánh cũng buộc mọi linh mục, khi giải tội, phải giữ kín tuyệt đối những tội mà hối nhân đã xưng thú. Bí mật tòa giải tội không chấp nhận một luật trừ nào, cho nên ai vi phạm sẽ mắc vạ nặng nề.

IV . THỐNG HỐI CỘNG ĐỒNG
“Bí tích Giải Tội có thể được cử hành cộng đoàn: tất cả cùng chuẩn bị xưng tội và cùng nhau cảm tạ vì được ơn tha thứ. Lúc đó việc xưng tội và giải tội cá nhân được tiến hành trong một cử hành Lời Chúa, với việc đọc Sách Thánh và diễn giảng, cộng đoàn được hướng dẫn xét mình; xin ơn tha thứ, đọc kinh Lạy Cha và cùng tạ ơn. Hình thức này diễn tả rõ nét hơn tính Hội Thánh của việc thống hối” (GLHTCG 1482).
Trong trường hợp thật cần thiết, nguy tử hay thật khẩn thiết về điều kiện thời gian và hoàn cảnh, có thể cử hành bí tích Giải Tội tập thể - nghĩa là không cần thú tội riêng với linh mục, chỉ cần có lòng sám hối rồi linh mục đọc lời tha tội chung cho mọi người - nhưng đòi buộc phải xưng lại những tội trọng khi có dịp xưng tội riêng sau đó.

V - ÂN XÁ
Ân xá là ơn Hội Thánh ban nhờ công nghiệp Chúa Giêsu, Đức Maria và các Thánh để tha các hình phạt tạm do tội gây nên, khi tội đã được tha.

1* Hình phạt do tội là gì ?
- Tội nặng làm cho ta không được thông hiệp với Chúa nên không được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu. Đây là hình phạt đời đời trong hỏa ngục. Khi lãnh nhận bí tích Giải Tội thì tội trọng được tha, hình phạt đời đời cũng được tha nhưng vẫn còn phải chịu một phần hình phạt tạm.
- Tội nhẹ cần được thanh luyện ở đời này hay đời sau trong luyện ngục trước khi được hưởng hạnh phúc bên Chúa. Đây cũng là hình phạt tạm.
- Bí tích Thánh Tẩy hay Giải Tội tha mọi tội trọng lẫn tội nhẹ, tha hình phạt đời đời nhưng hình phạt tạm vẫn còn.
Do đó, ân xá không nhằm tha tội (tôị trọng) nhưng chỉ tha hết mọi hình phạt tạm sau khi tội chúng ta đã được tha, vì Ân Xá thường đi kèm với việc Xưng Tội ngay trước hoặc sau đó.

2* Có mấy loại ân xá ?
- Tiểu xá là ơn tha một phần hình phạt tạm.
- Đại xá (toàn xá) là ơn tha hết mọi hình phạt tạm.
Mọi tín hữu đều có thể hưởng ân xá, hoặc cho mình hoặc chuyển cầu cho những người đã qua đời.

3* Vì sao Thiên Chúa lại ban ân xá qua Hội Thánh ?
Nhờ quyền cầm buộc và tháo cởi do Đức Kitô ban, Hội Thánh chuyển cầu cho các Kitô hữu và mở cho họ kho tàng công phúc của Đức Kitô và các Thánh để Chúa Cha nhân từ tha cho họ những hình phạt tạm phải chịu vì tội lỗi.

4* Điều kiện lãnh nhận ân xá là gì ?
- Phải Xưng Tội và Rước Lễ cùng quyết tâm hoán cải, dứt bén khỏi mọi tội lỗi, dù là tội nhẹ.
- Phải cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng (bằng cách đọc Kinh Lạy Cha).
- Phải làm những việc mà Hội Thánh dạy để được hưởng ân xá (mỗi ân xá có quy định một việc làm riêng).
Nếu không hội đủ những điều kiện trên thì chỉ được hưởng ơn tiểu xá.
Sám hối là tâm tình luôn phải có của giới luật mến Chúa yêu người.

CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, giống như người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện, con luôn thấy mình có những thiếu sót bất toàn, xin Chúa đừng nhìn đến tội lỗi của con, nhưng xin rộng lòng thương xót để con được nên tinh trắng (Lc 18,9-14).
Học kinh : Kinh Xét mình, trang 13

TÓM LƯỢC :
1* Bí tích Hoà Giải là gì ?
- Bí tích Hoà Giải là dấu chỉ Chúa Giêsu đã lập để tha các tội ta đã phạm, cùng giao hoà ta với Thiên Chúa và mọi người.
2* Bí tích Hoà Giải ban cho ta những ơn gì ?
- Bí tích Hoà Giải ban cho ta những ơn này: một là tha tội để giao hoà ta với Thiên Chúa và Hội Thánh; hai là ban ơn trợ giúp để ta vượt thắng tội lỗi.
3* Muốn lãnh nhận bí tích Hoà Giải thì phải làm những gì ?
-Muốn lãnh nhận bí tích Hoà Giải phải làm bốn việc này: một là xét mình, hai là ăn năn tội, ba là xưng tội, và bốn là đền tội.
4* Phải xét mình như thế nào ?
- Phải xét mình dựa vào Kinh Mười điều răn của Chúa và Sáu điều răn của Hội Thánh; hoặc dựa vào ba bổn phận: với Chúa, với tha nhân, và với chính mình.
5* Ân xá là gì ?
- Ân xá là ơn Hội Thánh ban nhờ công nghiệp Chúa Giêsu, Đức Maria và các thánh để tha các hình phạm tạm do tội gây ra và còn kéo dài sau khi tội đã được tha.
6* Muốn lãnh nhận Aân Xá thì phải có những điều kiện gì?
- Muốn lãnh nhận được Ân Xá phải chu toàn ba điều kiện này: một là phải Xưng Tội – Rước Lễ cùng quyết tâm dứt bén khỏi mọi tội lỗi; hai là phải cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng; và ba là phải làm những việc mà Hội Thánh quy định để lãnh nhận ÂÂn Xá.

admin
admin
Admin

Tổng số bài gửi : 107
Join date : 08/07/2011
Age : 33
Đến từ : Ho Chi Minh city

https://glv-bx.forumvi.com

Về Đầu Trang Go down

7 Bí Tích Kito Giao Empty BÍ TÍCH HÔN PHỐI

Bài gửi  admin Mon Feb 13, 2012 11:40 pm

BÍ TÍCH HÔN PHỐI


LỜI CHÚA : Mt 19,3-6.
“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,6)

BÀI HỌC :
Bí tích Hôn Phối là việc hai tín hữu Kitô, một nam một nữ, ưng thuận kết ước thành vợ chồng trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh.

1* Hôn nhân Kitô giáo có mục đích gì ?
Cử hành Hôn Phối là đón nhận ơn Chúa để chu toàn hai mục tiêu của đời sống hôn nhân và gia đình :
- Giúp phát triển tình yêu, tương trợ, bổ túc cho nhau trong mọi lãnh vực, và chủ yếu là trong đời sống tính dục.
- Hướng đến việc sinh sản và giáo dục con cái : Hội Thánh không còn coi truyền sinh như là chủ đích duy nhất và bắt buộc của hành vi vợ chồng nữa (hôn nhân của những người già và son sẻ), nhưng ai chọn lựa bí tích này đều phải mở ngỏ cho việc sinh sản.

2* Hôn nhân Kitô giáo có những đặc tính gì ?
Từ ngàn xưa đến nay, dù sống trong bất cứ nơi nào, bối cảnh văn hoá nào, Hội Thánh đều chủ trương :
- Đơn hôn, nghĩa là một vợ một chồng.
- Vĩnh hôn, nghĩa là bất khả phân ly, không ly dị vì dây hôn phối chỉ cắt đứt khi một trong hai người qua đời.

3* Ai là thừa tác viên cử hành bí tích hôn Phối?
Đôi nam nữ được coi là thừa tác viên ân sủng của Chúa Kitô, họ ban bí tích cho nhau và nhận bí tích của nhau khi tỏ bày sự ưng thuận kết hôn trước vị chứng hôn hợp pháp của Hội Thánh.

Linh mục không phải là người ban bí tích Hôn Phối (thừa tác viên), song chỉ là người chứng hôn của Hội Thánh. Chứng hôn là bổn phận (điều tra hôn phối và không được từ chối khi không mắc ngăn trở) và quyền lợi (chứng hôn và ủy quyền chứng hôn) của linh mục quản xứ đối với những người thuộc quyền mình (thuộc nhân), hoặc những người cử hành Hôn Phối trong phần đất của mình (thuộc địa) dù đôi bạn đó không phải là người thuộc quyền mình, thì linh mục quản xứ đều có quyền chứng hôn hợp pháp.

4* Đâu là nghi thức chính yếu của việc kết hôn Kitô giáo ?
Tình yêu là yếu tố nền tảng làm nên hạnh phúc gia đình, song tình yêu không phải là yếu tố pháp lý cấu tạo hôn nhân. Nghi thức làm nên hôn nhân Kitô giáo là việc đôi nam nữ bày tỏ sự tư do ưng thuận kết hôn trước sự chứng hôn của Hội Thánh. Dấu chỉ cốt yếu của bí tích Hôn Phối là lời ưng thuận kết hôn và việc kết hợp vợ chồng sau đó ; song chỉ cần bày tỏ lời ưng thuận kết hôn thì đã đủ để cho bí tích thành sự. Các nghi thức trao nhẫn, ký sổ chỉ là kỷ niệm để nhắc nhớ, có thể bỏ qua.

5* Phải có những điều kiện nào để bí tích Hôn Phối thành sự và hữu hiệu ?
a) Phải là hai Kitô hữu, nếu thuộc hai Giáo Hội khác nhau thì phải xin phép (hôn nhân chuẩn khác đạo không phải là bí tích đối với bên không phải là Kitô Giáo).
b) Đôi nam nữ bày tỏ sự ưng thuận kết hôn trước vị chứng hôn hợp pháp của Hội Thánh. Những thiếu sót, lầm lẫn về sự tự do ưng thuận đều làm cho hôn nhân bất thành.
c) Không mắc ngăn trở tiêu hôn :
- Ngăn trở về tuổi : Theo lẽ tự nhiên, Giáo luật qui định nam phải đủ 16 tuổi, nữ phải đủ 14 tuổi, nhưng cũng còn tùy thuộc HĐGM quyết định hạn tuổi, thường là theo Dân Luật (18 và 20 tuổi).
- Ngăn trở do bất lực : bao lâu còn ngăn trở về phía người nam hay nữ, dù biết trước hay không biết đều kết hôn bất thành. Trường hợp son sẻ vẫn có thể kết hôn thành sự.
- Ngăn trở do dây hôn phối : một trong hai người hoặc cả hai còn bị ràng buộc bởi bí tích hôn phối hay hôn nhân tự nhiên thì việc kết hôn sau bất thành, trừ đặc ân Phaolô (x.1Cr 7,12-16). Trường hợp một người theo đạo mà người kia vì lý do tòng giáo không chấp nhận chung sống thì được ly hôn và có quyền tái hôn. Đặc ân Phaolô nhằm bảo vệ đức tin của người được Rửa Tội, miễn là bên không Rửa Tội đoạn tuyệt với họ.
- Ngăn trở họ máu và họ kết hôn : Đối với họ máu, cấm kết hôn trong các đời thuộc hàng dọc, còn hàng ngang thì được kết hôn khi đã quá 4 đời (cách tính đời theo Giáo Luật là cộng tất cả các đời của hai bên lại, trừ gốc ra). Đối với họ kết hôn (có họ do kết hôn), chỉ cấm kết hôn hàng dọc (vd: không được lấy mẹ vợ hay con riêng của vợ). Ngoài ra, các loại họ thiêng liêng hay kết nghĩa ... không cản trở việc kết hôn.
- Ngăn trở vì có chức thánh hoặc lời khấn trọn trong dòng tu; ngăn trở do mưu sát người phối ngẫu; ngăn trở dưỡng hệ; và ngăn trở về công hạnh , đều làm cho Hôn Phối vô hiệu.


6* Có thể tháo gỡ hôn phối không ?
Hôn nhân thành sự và hoàn hợp không thể bị tháo gỡ bởi một quyền bính nhân loại nào, kể cả Hội Thánh, hay một nguyên do nào, ngoại trừ sự chết.

Hôn nhân thành sự mà chưa hoàn hợp có thể được Toà Thánh (Đức Giáo Hoàng, đặc ân Phêrô) gỡ bỏ vì bí tích hôn phối ấy còn thiếu một dấu chỉ hữu hình cốt yếu là vịêc kết hợp vợ chồng sau lời ưng thuận kết hôn.

Thực ra, Hội Thánh không có quyền tháo gỡ dây hôn phối mà chỉ tuyên bố bí tích hôn phối đã không thành sự ngay từ đầu vì một ngăn trở nào đó. Sự bất khả phân ly trong đời sống hôn nhân là giới luật của Thiên Chúa, Hội Thánh chỉ có thể tháo cởi (chuẩn) những gì thuộc luật qui định của con người (Hội Thánh).

7* Thế nào là sinh sản có trách nhiệm ?
- Hội Thánh không chấp nhận bất cứ hình thức hủy diệt sự sống nào, đặc biệt là phá thai.
- Hội Thánh không tán thành phương pháp điều hòa sinh sản nhân tạo như thuốc ngừa thai, dụng cụ tránh thai, triệt sản ...
- Hội Thánh khuyến khích theo phương pháp điều hòa sinh sản gọi là tự nhiên vì hợp với nhân phẩm, như kiêng cữ trong thời gian có thể thụ thai.

CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa Giêsu, đứng trước thực trạng ly dị ngày càng gia tăng, con không khỏi băn khoăn về hạnh phúc của hôn nhân và gia đình. Xin cho tình yêu của các đôi vợ chồng ngày càng bén rễ trong sự quảng đại và tha thứ để hạnh phúc lan toả trong mọi gia đình.

TÓM LƯỢC :

1* Bí tích Hôn Phối là gì ?
- Bí tích Hôn Phối là việc hai kitô hữu, một nam một nữ, ưng thuận kết ước thành vợ chồng trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh.

2* Hôn nhân Công Giáo có những đặc tính gì ?
- Hôn nhân Công Giáo có hai đặc tính: một là một vợ một chồng, và hai là bất khả phân ly.

3* Đâu là mục đích của hôn nhân Công Giáo ?
- Hôn nhân Công Giáo có hai mục đích: một là bổ túc cho nhau trong tình yêu vợ chồng, hai là sinh sản và giáo dục con cái.

4* Đâu là nghi thức chính yếu của việc kết hôn Công Giáo?
- Nghi thức chính yếu làm nên bí tích hôn phối là sự bày tỏ ưng thuận kết hôn của đôi bạn trước sự chứng hôn của Hội Thánh.

5* Để bí tích Hôn Phối thành sự và hữu hiệu cần có những điều kiện gì ?
- Để bí tích Hôn Phối thành sự và hữu hiệu, phải hội đủù ba điều kiện này: một phải là hai Kitô hữu; hai là có sự tự do ưng thuận; và ba là không mắc một ngăn trở tiêu hôn hôn nào.

6* Ngăn trở tiêu hôn là gì ?
- Ngăn trở tiêu hôn là những cản trở làm cho việc kết hôn ra vô hiệu nếu không có phép chuẩn trước, như ngăn trở về tuổi, họ hàng, hôn phối cũ ...

7* Có thể tháo gỡ hôn phối Công Giáo không ?
- Hôn phối đã thành sự và hoàn hợp thì không thể tháo gỡ. Hội Thánh không có quyền tháo gỡ dây hôn phối mà chỉ tuyên bố bí tích đã không thành sự ngay từ lúc kết hôn vì vướng ngăn trở tiêu hôn nào đó.
admin
admin
Admin

Tổng số bài gửi : 107
Join date : 08/07/2011
Age : 33
Đến từ : Ho Chi Minh city

https://glv-bx.forumvi.com

Về Đầu Trang Go down

7 Bí Tích Kito Giao Empty Re: 7 Bí Tích Kito Giao

Bài gửi  Sponsored content


Sponsored content


Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết