Giáo Lý Viên-Giáo Xứ BÌNH XUYÊN
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Su pham giao ly can ban

Go down

Su pham giao ly can ban Empty Su pham giao ly can ban

Bài gửi  admin Wed Apr 18, 2012 4:30 pm

Bài 2
Ba Nguyên Tắc Trong Việc Dạy Giáo Lý

Bài này được trích từ bộ sách Nổi Lửa cho Đời 3 của Cha Lê Quang Uy, trình bày ba nguyên tắc chính trong việc dạy Giáo Lý là: nguyên tắc toàn vẹn, nguyêntắc thích ứng và nguyên tắc sống động. Việc dạy Giáo Lý phải bao gồm tất cả nội dung của Giáo Lý và phải ảnh hưửng đến toàn diện con người học viên. Phương pháp phải thích ứng với lứa tuổi, tâm lý và văn hóa của học viên, và các lớp Giáo Lý phải được trình bày cách sinh động.
BA NGUYÊN TẮC TRONG VIỆC DẠY GIÁO LÝ
I. NGUYÊN TẮC TOÀN VẸN ( INTÉGRITÉ ):
Nguyên tắc toàn vẹn được trải ra trong 2 mặt chính yếu:
1. TOÀN VẸN VỀ NỘI DUNG DẠY GIÁO LÝ:
Tông Huấn Catechesi Tradendae ( CT 30 ) dặn dò chúng ta 3 điểm quan trọng sau đây về sự toàn vẹn của nội dung Giáo Lý:

Lời Đức Tin dứt khoát không được cắt xén, thay đổi, giảm bớt, nhưng phải đầy đủ và toàn vẹn, nghiêm túc và có uy lực. Đứng trước kho tàng Đức Tin của Giáo Hội, không một Giáo Lý Viên chân chính nào được tự ý chọn lựa điều gì họ coi là quan trọng và điều gìø họ cho là không quan trọng, để sau đó dạy điều này mà bỏ không dạy điều kia.
Phương pháp và ngôn ngữ Giáo Lý Viên sử dụng phải thật sự là phương tiện để họ truyền đạt trọn vẹn nội dung Giáo Lý, chứ không phải chỉ là một phần của “Lời ban sự sống đời đời”.
Việc dạy Giáo Lý không thể xa lạ với chiều kích hiệp nhất và đại kết đối với Giáo Lý của các tôn giáo bạn, nhưng nội dung Giáo Lý sẽ chỉ có tính chất đại đồng nếu dạy rằng: toàn thể chân lý mặc khải và các phương tiện cứu độ vẫn tồn tại trong Giáo Hội Công Giáo.

2. TOÀN VẸN VỀ ẢNH HƯỞNG CỦA GIÁO LÝ:
Giáo Lý phải có ảnh hưởng trên toàn diện con người gồm có cả tâm hồn và thể xác, lý trí, tình cảm và các hoạt động, phải chi phối toàn bộ cuộc sống và môi trường sống của con người ( nhất là ở độ tuổi thanh thiếu niên ) như gia đình, học đường, Giáo Xứ, khu phố, làng xóm..., và cũng đồng thời chi phối toàn bộ cuộc đời của họ, chứ không chỉ dừng lại ở những năm tháng theo học Giáo Lý, lãnh nhận các Bí Tích xong rồi là hết chuyện như lâu nay nhiều người vẫn quan niệm !

II. NGUYÊN TẮC THÍCH ỨNG ( ADAPTATION ):
Việc dạy Giáo Lý phải luôn luôn được cân nhắc trong việc soạn thảo nội dung và chương trình, cũng như trong việc lo liệu áp dụng các hình thức và phương pháp để trình bày, tiếp thu có chọn lọc các thành tựu trong khoa Sư Phạm Giáo Lý của Giáo Hội toàn cầu, sao cho thích ứng với 2 mặt sau đây:

1. TÂM LÝ CÁC ĐỘ TUỔI:
Vẫn tôn trọng sự toàn vẹn thống nhất của sứ điệp Giáo Lý, nhưng nội dung sẽ lần lượt được dàn trải một cách tiệm tiến, được diễn đạt bằng các hình thức phù hợp với tâm lý của từng độ tuổi các em.
Về cách chia các độ tuổi tâm lý, xin tham khảo thêm phần Tìm Hiểu Tâm Lý Trẻ Em trong Vui Đời Phục Vụ tập 13; phần Giáo Dục Đức Tin Cho Từng Lứa Tuổi trong cuốn Sư Phạm Huấn Giáo của cố Linh Mục Nguyễn Văn Tuyên; và phần phụ chương 4 Lịch Trình Tiến Triển Tâm Lý trong tập Sư Phạm Huấn Giáo của Ban Mục Vụ Giới Trẻ Giáo Phận Sài-gòn.
Ở đây, chúng tôi xin đề nghị một cách chia độ tuổi đặc trưng theo mức độ tham gia vào các đoàn thể tương ứng với Giáo Lý như sau:

Lứa tuổi Ấu Nhi ( từ 1 đến 3 tuổi )
Lứa tuổi Nhi Đồng ( từ 3 đến 7 tuổi )
Lứa tuổi Thiếu Nhi ( từ 7 đến 11 tuổi )
Lứa tuổi Thiếu Niên ( từ 11 đến 14 tuổi )
Lứa tuổi Kha Niên ( từ 14 đến 18 tuổi )
Lứa tuổi Thanh Niên ( từ 18 đến 30 tuổi )
Lứa tuổi Tráng Niên ( từ 30 tuổi trở lên )

2. HOÀN CẢNH VÀ MÔI TRƯỜNG:
Tùy theo những hoàn cảnh đặc thù của xã hội và thời đại, cũng như tùy theo từng môi trường khác biệt của từng miền, từng vùng, từng Giáo Phận, chương trình và hình thức chuyên chở nội dung Giáo Lý có thể có những uyển chuyển chính đáng.
Địa bàn dân cư toàn tòng hoặc giáo dân ở tản mạn, nội thành hay ngoại thành, tỉnh lỵ hay thôn quê, đồng bằng hay thượng du, người Kinh hay người dân tộc... tất cả đòi hỏi một sự cân nhắc cần thiết để Lời Chúa và Giáo Lý đến được với mọi tầng lớp tín hữu.

III. NGUYÊN TẮC SỐNG ĐỘNG ( VIVANT ):
Chương trình chung của Ban Giáo Lý một Giáo Phận, một Giáo Xứ, cũng như bầu khí riêng ở từng lớp Giáo Lý phải luôn giữ được tính cách sống động phấn khởi, để việc dạy và học trở thành một niềm vui. Cần phải tránh rơi vào khuôn khổ cứng ngắc, đơn điệu, kém hiệu quả. Dứt khoát không chủ trương “nhồi sọ”, “học vẹt”, “so kè thành tích”, “biểu dương lực lượng” hoặc “qua loa đại khái” cho xong nhiệm vụ... Muốn được như thế, đòi hỏi cả 2 phía cùng song hành, ăn khớp nhịp nhàng với nhau:

Về phía người dạy: phải biết cách trình bày chân lý, biết độngviên các em khao khát khám phá chân lý.
Về phía người học: phải khao khát tiếp cận chân lý, nỗ lực hòamình tham gia vào việc khám phá chân lý

IV. KẾT LUẬN:
Trên đây là những nguyên tắc quan trọng để việc dạy Giáo Lý đi đúng đường hướng của Giáo Hội.
Xin các vị Giám Mục, các Linh Mục quản xứ, các Linh phụ trách Ban Giáo Lý cần thường xuyên nhắc nhở, hằng năm nên tổ chức một khóa bồi dưỡng nhiều mặt về Sư Phạm Giáo Lý, trong đó có đề cập lại về các nguyên tắc này, để các Giáo Lý Viên, vốn là những người trực tiếp đứng lớp giảng dạy, có thể nắm vững các nguyên tắc, không bỏ sót, không xem nhẹ bất cứ nguyên tắc nào.

Bài 3 Tính Cách Quy Kitô trong Giáo Lý
Trọng tâm của môn Giáo Lý là Đức Chúa Giếu Kitô. Người là Thầy, là Đấng dạy Giáo Lý, còn các Giáo Lý viên chỉ là phát ngôn viên của Người. Hay nói đúng hơn, Người dùng miệng họ mà giảng dạy. Nhưng Đức Kitô cũng chính là đề tài của môn Giáo Lý. Dạy Giáo Lý chính là tỏ bày trong Đức Giê-su Ki-tô tất cả ý định vĩnh cửu của Thiên Chúa, dạy Giáo Lý là dạy về chính Đức Ki-tô. Đồng thời muốn dạy Giáo Lý cho có hiệu quả, cần phải dạy theo cách của Đức Kitô.

I /TÍNH CÁCH QUY KI-TÔ TRONG GIÁO LÝ
I. KHÁI NIỆM QUY KI-TÔ:
Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ 4 năm 1977 nhấn mạnh đến tính cách Quy Ki-tô ( Christocentrisme ) trong việc dạy Giáo Lý.
Ở trọng tâm của khoa Giáo Lý, cốt yếu có một Ngôi Vị là Đức Giê-su Ki-tô, để rồi chúng ta chỉ có một câu trả lời duy nhất là chính Đức Giê-su Ki-tô cho cả 3 câu hỏi thiết yếu trong việc dạy Giáo Lý như sau:

II. AI DẠY GIÁO LÝ ?
Trước hết, chính Đức Ki-tô là Đấng giảng dạy, các Giáo Lý Viên chỉ là phát ngôn viên của Người, là những người trung thành và trung thực truyền đạt lại những gì đã được Đức Ki-tô trao phó. “Thầy đã được trao toàn quyềntrên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” ( Mt 28, 18 – 20 ).
Một Giáo Lý Viên chân chính có thể bộc bạch chân thành theo như Thánh Phao-lô rằng: Không phải là tôi dạy Giáo Lý, mà là chính Đức Ki-tô, Người dạy Giáo Lý cho mọi người nơi tôi, qua tôi, và trong tôi. “Tôi sống,nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” ( Gl 2, 20 ).

III. DẠY GIÁO LÝ VỀ AI ?
Dạy Giáo Lý chính là tỏ bày trong Đức Giê-su Ki-tô tất cả ý định vĩnh cửu của Thiên Chúa, là thông truyền Giáo Lý của Đức Ki-tô, thông truyền chân lý của Người. Do việc, dạy Giáo Lý là dạy về chính Đức Ki-tô.
Muốn trình bày về Chúa Cha, không gì hơn là công bố những gì Đức Giê-su Ki-tô đã giới thiệu về Cha của Người cũng là Cha của chúng ta. “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đếnvới Chúa Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ) “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha... Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy” ( Ga 14, 11 ).
Muốn đề cập đến Chúa Thánh Thần, chúng ta cũng phải xác tín rằng chính Chúa Thánh Thần là Thần Khí của Đức Giê-su Ki-tô Phục Sinh. “Thầysẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em” ( Ga 14, 16 – 17 ).
Muốn học về Đức Ma-ri-a, chúng ta cũng phải dõi mắt nhìn vào biến cố Nhập Thể của Đức Giê-su Ki-tô, để Mẹ được trở nên E-và mới, hạ sinh Đức Giê-su Ki-tô, trở nên Mẹ của Thiên Chúa và là Mẹ của nhân loại. "Nàyông Giu-se, là con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ." ( Mt 1, 20 – 21 ).
Muốn tìm hiểu về Giáo Hội, chúng ta không thể quên chính Đức Giê-su Ki-tô là Đầu của Hội Thánh, là vị Tân Lang chung thủy sắt son, còn Hội Thánh chính là Thân Mình của Người, là Hiền Thê yêu dấu của Người. “Chính Đức Ki-tô làĐấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người” ( Ep 5, 23 – 24 ). Mọi hoạt động của đời sống Ki-tô hữu cũng đều hướng về Đức Giê-su Ki-tô là trung tâm, là đỉnh cao, là điểm hội tụ, là hệ quy chiếu, là tiêu chuẩn, là mẫu mực tuyệt đối, là trọn vẹn, là tất cả những gì mà Thiên Chúa muốn mặc khải nhờ Người và trong Người. “Đây là điều răn của Thầy: anhem hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” ( Ga 15, 12 ). “Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm và hãy nói nhân danh Chúa Giê-su, và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.” ( Cl 3, 17 ). IV. DẠY GIÁO LÝ THEO CÁCH THỨC CỦA AI ? Mẫu mực đời sống và công việc phục vụ của người Giáo Lý Viên chính là Đức Ki-tô chứ không phải là ai khác ! Đức Giê-su Ki-tô đã để lại cho chúng ta không những một khoa Sư Phạm Giáo Lý độc đáo và sâu sắc, Người còn lưu lại một cung cách mô phạm của một bậc Tôn Sư vừa đầy quyền năng xuất phát từ Thiên Chúa ( x. Mc 1, 22 ), lại vừa chan chứa lòng trắc ẩn yêu thương đối với mọi người ( x. Mt 15, 32 ), nhất là với những kẻ tội lỗi ( x. Lc 5, 32 ), những người nghèo khổ tật bệnh ( x. Mt 15, 30; Mc, 3, 10; Lc 4, 40 ), và sẵn sàng tha thứ cho cả kẻ thù đã hãm hại Người ( x. Lc 23, 34 ). Mặt khác, Đức Giê-su Ki-tô đặt nền tảng cho các hoạt động rao giảng bằng đời sống cầu nguyện. Trước khi khởi đầu sứ vụ công khai, Người đã vào hoang địa để được Chúa Thánh Thần hướng dẫn cầu nguyện và tĩnh tâm suốt 40 ngày ( x. Lc 4, 1 – 2 ). Khởi sự một ngày hoạt động của Người luôn luôn là cầu nguyện ( x. Mc 1, 35 ). Người cầu nguyện suốt đêm trước khi chọn Nhóm Mười Hai ( x. Lc 6, 12 ). Kết thúc một ngày tất bật, Người lại lánh mình đi cầu nguyện ( x. Lc 5, 16 ). Bắt đầu bước vào cuộc Thương Khó, Đức Giê-su Ki-tô cầu nguyện với các môn đệ trong bữa ăn cuối cùng ( x. Ga 17 ), nơi vườn Ghết-xê-ma-ni trước khi Người bị bắt ( x. Lc 22, 39 – 44 ) và trong giây phút Người sắp lìa đời trên Thập Giá ( x. Lc 23, 46 ). Tắt một lời, sứ điệp Đức Giê-su Ki-tô rao giảng và chính bản thân Người là một, không có sự tách biệt, so le, hay mâu thuẫn. Người loan báo Tin Mừng Yêu Thương và cũng chính Người là Tình Yêu Thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại. “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” ( Ga 15, 13 ). V. KẾT LUẬN: Xin mượn lời của Tông Huấn Catechesi Tradendae: “Người Giáo Lý Viên theo chân Đức Giê-su Ki-tô, phải luôn chuyên cần học hỏi Lời Chúa do Huấn Quyền của Giáo Hội thông truyền, phải luôn kết thân sâu xa với Đức Ki-tô và với Chúa Cha, phải có được tinh thần cầu nguyện, từ bỏ bản thân, hoàn toàn để Chúa Thánh Thần làm việc nơi mình trong mọi sự và mọi lúc” ( CT 5 và 6 ).


Bài 4 Đức Kitô, Bậc Thầy của Giáo Lý Viên
Chúng ta đã đặt vấn đề dạy Giáo Lý theo cách thức của Đức Giê-su Ki-tô. Vậy không gì hơn là chúng ta hãy phân tích để học hỏi đường lối dạy Giáo Lý của chính Đức Giê-su Ki-tô đã áp dụng. Xin liệt kê 8 nguyên tắc rất đơn giản mà hiệu nghiệm:
ĐỨC KI-TÔ, BẬC THẦY CỦA GIÁO LÝ VIÊN
Chúng ta đã đặt vấn đề dạy Giáo Lý theo cách thức của Đức Giê-su Ki-tô. Vậy không gì hơn là chúng ta hãy phân tích để học hỏi đường lối dạy Giáo Lý của chính Đức Giê-su Ki-tô đã áp dụng. Xin liệt kê 8 nguyên tắc rất đơn giản mà hiệu nghiệm:

I. TRỰC TIẾP NÓI VỚI NGƯỜI NGHE:
Đức Giê-su Ki-tô quả thật là một con người của quần chúng. Người đi khắp nơi trong suốt cả cuộc đời để gặp gỡ quần chúng. Chung quanh Người luôn có một đám đông tìm đến để lắng nghe, và Người đã chạnh lòng thương họ, không quản ngại giảng dạy cho họ, nhiều khi đến kiệt sức.
Trên núi, trong hoang địa, dưới thuyền, ngoài bãi biển, trong Hội Đường, nơi Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, tại bàn ăn, giữa tiệc cưới, ở mọi góc phố, và cả trên Thập Giá, ở đâu Người cũng có những lời giảng dạy về Chúa Cha, về Nước Trời, về giới răn Yêu Thương, về lòng tha thứ...
Người tiếp xúc với đủ mọi hạng người: kẻ giàu người nghèo, kẻ bệnh tật, người đang gặp khổ đau, người Pha-ri-sêu, các Luật Sĩ, sĩ quan Rô-ma, người miền Sa-ma-ri, các cô gái điếm, người thu thuế, kẻ tử tù... miễn là họ có lòng chân thành sám hối, muốn đi theo con đường Đức Giê-su mời gọi.
Đức Giê-su không hề biên soạn và viết ra một tác phẩm nào cho mục đích giảng dạy gián tiếp, Người trực tiếp nói với mọi người, đối thoại một cách ân cần, khi nhỏ nhẹ, lúc hùng hồn, và đặc biệt là yêu quý trẻ em lúc nào cũng quấn quít bên Người ( x. Mt 18, 2; Mc 10, 14).

II. TRÌNH BÀY VỪA TẦM NGƯỜI NGHE:
Đa số thính giả của Đức Giê-su là người bình dân chất phác, lao động chân tay, mù chữ hoặc ít học. Người đã dùng ngôn ngữ của chính họ và những hình ảnh minh họa gần gũi dễ hiểu để giảng dạy và trò chuyện thân tình với họ, tận tụy giải đáp các thắc mắc của họ và không tiếc lời khen ngợi, khích lệ những ai có thành tâm thiện chí.
Ngược lại, đối với những một số ít người có học, hoặc khi họ muốn tranh luận bắt bẻ, Đức Giê-su cũng sẵn sàng lý luận, trưng dẫn Kinh Thánh (x. Mt 11, 10; 12, 40; 15, 4. Cool vận dụng Luật Mô-sê ( x. Mt 5, 21. 27. 31. 33. 38. 43), viện lẽ khôn ngoan trong cuộc sống ( x. Mt 5, 15; 6, 24; 12, 25. 29. 33; Lc 6, 39 – 40; 48 – 49) để thuyết phục họ, hoặc thẳng thắn phi bác, cho thấy họ đã lầm lạc hay ngoan cố.

III. DÙNG CÁI DỄ HIỂU ĐỂ NÓI VỀ CÁI KHÓ HIỂU:
Khi muốn dạy một chân lý cao siêu, một mầu nhiệm khó hiểu, mới lạ và khó tin, Đức Giê-su đã chọn những sự việc và sự vật cụ thể, mượn những khái niệm gần gũi, những hình ảnh quen thuộc, những kinh nghiệm sống động của đời thường làm dẫn chứng hay minh họa.
Có thể nói, Người đã vận dụng phương pháp quy nạp đơn sơ hơn là phương pháp diễn giải phức tạp; dùng lối ẩn dụ so sánh để đi tới kết luận hơn là chọn những luận lý kinh viện bác học.
Đức Giê-su còn thường dùng các dụ ngôn ( Paraboles) để giảng dạy. Thay cho những định nghĩa trừu tượng, các chân lý và mầu nhiệm đã được gói ghém trong một câu truyện kể ngắn gọn, với đầy đủ tình tiết hấp dẫn mà hợp lý hợp tình, nghe xong là tự khắc hiểu được bài học, tự mình rút ra được một số yếu tố siêu việt của Nước Trời và có thể áp dụng ngay vào đời sống thường nhật hiện tại.

IV. ĐÚC KẾT THÀNH NHỮNG CÂU DỄ NHỚ:
Sau khi đã diễn giải một chân lý, một mầu nhiệm, một giới luật mới để giúp người nghe hiểu được một cách sáng tỏ, bao giờ Đức Giê-su cũng có những lời đúc kết ngắn gọn và giản dị để giúp họ ghi nhớ sâu xa và thấm thía, đồng thời sẵn sàng đem ra thực hành một cách dễ dàng.
Xin đơn cử những câu kết luận như thế trong Tin Mừng:
· Về việc cầu nguyện: “Ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõcửa thì sẽ mở cho” ( Lc 11, 9).
· Về đức khiêm tốn: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mìnhxuống sẽ được nâng lên” ( Lc 14, 11).
· Về tinh thần phục vụ: “Thầy đến để phục vụ, chứ không phải đểđược phục vụ” ( Mc 10, 41).
· Về sự bền đỗ: “Kẻ được gọi thì nhiều, nhưng người được chọn thìlại ít” ( Mt 22, 14).
· Về lòng tình yêu thương: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầyđã yêu thương anh em” ( Ga 15, 12).
· Về sự từ bỏ: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thậpgiá mình hằng ngày mà theo” ( Lc 9, 23).

V. NHẮC LẠI DƯỚI NHIỀU HÌNH THỨC:
Khi trình bày một chân lý hay một điểm Giáo Lý, Đức Giê-su thường nhắc đi nhắc lại dưới nhiều hình thức khác nhau. Như vậy, vấn đề càng dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hành trong đời sống hơn mà lại không sợ nhàm chán đơn điệu. Hơn nữa, một lần vấn đề được nhắc lại, vẫn có dịp để thêm bổ túc những khía cạnh mới.
Ví dụ, để minh họa cho lòng Chúa yêu thương những người tội lỗi, luôn chờ mong họ hoán cải, Đức Giê-su đã dùng rất nhiều dụ ngôn khác nhau mà Tin Mừng theo Thánh Lu-ca đã ghi lại trong toàn bộ chương 15 như: Dụ Ngôn Con Chiên Bị Mất, Dụ Ngôn Đồng Bạc Bị Mất, Dụ Ngôn Người Cha Nhân Hậu ( x. Lc 15, 1 – 32).

VI. TIẾN TỪNG BƯỚC THEO TRÌNH ĐỘ CỦA NGƯỜI NGHE:
Một chân lý cao siêu, một mầu nhiệm khó hiểu không thể trong một bài dạy, trong một lần học mà có thể đón nhận trọn vẹn ngay được. “Mưa lâuthấm đất”. Rõ ràng cần phải có thời gian để thấm thía. Vì thế, Đức Giê-su đã luôn luôn vén tỏ mầu nhiệm Nước Trời, Nước Thiên Chúa từng bước, từng chút một. Mỗi lần giảng dạy, Người lại bổ túc thêm một ít, đào sâu và mở rộng thêm những gì đã dạy trước đó.
Lấy ví dụ, Đức Giê-su đã từ từ tỏ mình cho các môn đệ rằng chính là Đấng Thiên Sai, là Đấng Cứu Thế, để rồi cuối cùng, đến lúc chín muồi, Người mới tự giới thiệu Người chính là Con Thiên Chúa trong biến cố Hiển Dung trên một ngọn núi cao ( x. Mc 9, 2 – 8 ).
Một ví dụ khác: Đức Giê-su đã 3 lần tiên báo về cuộc thương khó và cái chết Người sẽ phải chịu để chuẩn bị cho các môn đệ có thể bình tĩnh đón nhận biến cố Vượt Qua đau xót nhưng cần thiết này ( x. Mc 8, 31; 9, 30 – 32; 10, 32 – 34 ).

VII. DÙNG KINH THÁNH ĐỂ MINH CHỨNG:
Đức Giê-su thường trích dẫn những lời Thánh Kinh để giúp ngườinghe dễ tin và hiểu sâu hơn những lời Người giảng dạy.
Những lời Kinh Thánh ấy còn minh chứng rằng: Người đến là để hoàn tất mọi sự. Những lời Người nói, những việc Người làm vừa nối tiếp, vừa thực hiện những gì đã được tiên báo trong Cựu Ước. Người chính là Đấng mở ra thời Tân Ước, thực hiện mọi lời hứa và mọi ý định của Thiên Chúa đối với Dân của Người ( x. Mt 11, 10; 12, 40; 15, 4. Cool.

VIII. VỪA GIẢNG DẠY VỪA CẢM HÓA:
Trong khi diễn giải mầu nhiệm Nước Trời, Đức Giê-su cũng gợi lên nơi người nghe lòng yêu thích, khao khát đón nhận chân lý và sẵn sàng thay đổi cuộc sống.
Đã có một số không hưởng ứng lời mời gọi ấy ( như chàng thanh niên giàu có còn tiếc rẻ của cải đời này trong Mc 10, 17 – 22), nhưng ngược lạiđã có rất đông người đã được cảm hóa để đổi đời ( như: người đàn bà xứ Sa-ma-ri trong Ga 4, 7 – 42; người phụ nữ ngoại tình trong Ga 8, 3 – 11; người mù từ thuở mới sinh trong Ga 9, 1 – 38; người bệnh liệt giường vác chõng ra về trong Ga 5, 5 – 14; ông Da-kêu trong Lc 19, 1 – 10; người gian phi trên thập giá trong Lc 23, 39 – 43... )

IX. KẾT LUẬN:
Đã từng có một Hội Nghị Quốc Tế, thuần túy phi tôn giáo, được tổ chức đặc biệt để nghiên cứu về khoa sư phạm của “thầy giáo Giê-su thành Na-da-rét”. Và các nhà khoa học về giáo dục và sư phạm của hơn 120 quốc gia đã nhất trí chọn Người là “Nhà Giáo mẫu mực của mọi thời”.
Vậy, chẳng lẽ các Giáo Lý Viên là các môn đệ của Đức Giê-su, lại không học hỏi khoa Sư Phạm Giáo Lý nơi chính vị Tôn Sư vĩ đại của mình ?

Bài 5 Tổ Chức Một Lớp Giáo Lý
Muốn tổ chức một lốp Giáo Lý, hay nói đúng hơn một chương trình Giáo Lý cho quy mô, cần phải chú trọng đến việc đào luyện các đợt Giáo Lý viên về nôi dung và phương pháp sư phạm. Việc huấn luyện cả hai mặt nói trên không phải chỉ làm một lần mà xong, nhưng phải vừa toàn diện, vừa tiệm tiến, từ căn bản từng môn đạt tới mức độ chuyên sâu hơn. Cũng cần phải thường xuyên tổ chức các khóa bồi dưỡng và nâng cao, bổ túc, cập nhật hóa cho kịp với những biến chuyển, canh tân, phát kiến của thời đại, xã hội và Giáo Hội.

TỔ CHỨC MỘT LỚP GIÁO LÝ
I. NHÂN SỰ:
Để có thể đáp ứng được Tính Cách Quy-Ki-tô như đã trình bày, đồng thời lại phải nắm vững các nguyên tắc sư phạm, có 2 mặt quan trọng trong việc huấn luyện đội ngũ các Giáo Lý Viên, đó là:
· Huấn luyện về nội dung Giáo Lý: Ngoài các kiến thức về Thánh Kinh,Thần Học, Phụng Vụ, Luân Lý, Lịch Sử Cứu Độ, Giáo Hội... các Giáo Lý Viên còn cần được giúp tăng tiến về đời sống cầu nguyện, tác phong đạo đức Ki-tô hữu.
· Huấn luyện về phương pháp sư phạm: Các Giáo Lý Viên cầnphải hiểu biết tương đối thấu đáo về tâm lý các độ tuổi học sinh Giáo Lý, được tập huấn để làm quen với các phương pháp sư phạm để có thể tự tin khi đứng lớp.
Cần lưu ý rằng: việc huấn luyện cả hai mặt nói trên không phải chỉlàm một lần mà xong, nhưng phải vừa toàn diện, vừa tiệm tiến, từ căn bản từng môn đạt tới mức độ chuyên sâu hơn. Cũng cần phải thường xuyên tổ chức các khóa bồi dưỡng và nâng cao, bổ túc, cập nhật hóa cho kịp với những biến chuyển, canh tân, phát kiến của thời đại, xã hội và Giáo Hội.
Thường thì theo một quy luật thực tế, cứ sau khoảng 5 năm, lại cần phải có một đội ngũ Giáo Lý Viên mới để kế thừa lớp đàn anh đàn chị. Khởi đầu, những bạn trẻ mới được đào tạo và huấn luyện sẽ tập sự, phụ tá cho quen thạo dạn dĩ, tích lũy kinh nghiệm thực tế đứng lớp, dần dần sẽ tiến tới việc cộng tác, và nếu cần thì có thể thay thế. Có như vậy, Ban Giáo Lý mới không bị khủng hoảng vì thiếu nhân sự.
Chúng ta thấy rõ: trước tiên là vai trò và trách nhiệm của Cha Sở hết sức quan trọng, ngài phải lo sao để quy tụ và đào tạo được một số người trong Giáo Xứ có khả năng đảm nhận việc dạy Giáo Lý. Kế đến là sự hưởng ứng và cộng tác nhiệt thành của anh chị em giáo dân, nhất là những bạn trẻ.
Cũng cần phải thấy rằng, trong thời gian mấy thập niên vừa qua, nhiều vùng kinh tế mới xa xôi hẻo lánh, tuy không thể có Linh Mục, nhưng lại đã hình thành được một đội ngũ anh chị em Giáo Lý Viên rất có năng lực và nhiệt tâm, tự đứng ra lo liệu việc tổ chức Ban Giáo Lý, chọn lựa chương trình giảng dạy phù hợp, đạt kết quả khả quan. Đến khi có được Linh Mục mới thụ phong bổ nhiệm về, thì tiếc thay, mọi sự đều bị... lật nhào, xóa sổ !

II. CHƯƠNG TRÌNH VÀ KẾ HOẠCH:
Hiện nay, chúng ta hiện có nhiều giáo trình Giáo Lý khác nhau, như của Giáo Phận Đà-nẵng, Xuân-lộc, Nha-trang, Sài-gòn... Do vậy, các Đức Giám Mục, các Linh Mục Quản Xứ có thể có hai cách:
· Chọn sử dụng một trong các giáo trình trên đây và thích nghi vớihoàn cảnh riêng của Giáo Phận và của Giáo Xứ mình.
· Tham khảo các giáo trình đã có cùng các tài liệu khác để hình thành một Ban Mục Vụ Huấn Giáo, soạn ra một giáo trình riêng, có đường hướng rõ rệt của Giáo Phận và Giáo Xứ của mình.
Từ đó, các ngài dựa theo chương trình này để phác thảo một kế hoạch giảng dạy Giáo Lý chi tiết cho từng tháng, từng niên khóa Giáo Lý, trong đó có thể chia thành 2 học kỳ, mỗi học kỳ khoảng từ 3 tới 4 tháng, sao cho thích hợp với thời điểm của các Đại Lễ Phụng Vụ, với thời điểm trao ban các Bí Tích Hòa Giải, Thánh Thể ( Rước Lễ Lần Đầu ), Thêm Sức và Tuyên Tín trọng thể ( trước đây quen gọi là Bao Đồng ).
Cũng nên dành ra một thời gian để các em được nghỉ hè, hoặc ôn thi hết cấp học ở trường Phổ Thông. Đây cũng là dịp để các Giáo Lý Viên được nghỉ ngơi, đi hành hương hoặc giao lưu với các đoàn Giáo Lý Viên bạn, nhất là để tổng kết các kinh nghiệm của năm học Giáo Lý vừa qua, chuẩn bị chu đáo cho năm học mới, cho ngày khai giảng Giáo Lý sắp tới.

III. SOẠN BÀI:
Trước khi bắt tay vào việc soạn giáo án cho một bài dạy Giáo Lý, mỗi Giáo Lý Viên cần lưu ý các điểm sau đây:
· Phải nắm vững toàn bộ chương trình của niên khóa Giáo Lýcủa lớp mình đảm nhận, và cả toàn bộ Chương Trình Huấn Giáo chung cho lớp trước và lớp sau của lớp mình sắp dạy, từ đó mới có thể có cái nhìn bao quát, hệ thống liền lạc ăn khớp với nhau về các nội dung mình cần chuyển tải đến các em.
· Phải suy gẫm và sống Lời Chúa mà mình sẽ thông truyền chocác em trong từng bài dạy, cần đọc kỹ và tìm hiểu sâu xa chính bản văn Lời Chúa trong từng bài, soát xét lại đời sống bản thân.
· Phải quan tâm đến đời sống và sinh hoạt của các em trongtuần vừa qua, xem có sự kiện hay biến cố nào có thể giúp mình đưa vào bài soạn như một chứng từ sống động, có tính thuyết phục.
Đến khi bắt tay vào việc soạn giáo án, các Giáo Lý Viên cần được Cha Sở hoặc người phụ trách Ban Giáo Lý hướng dẫn các mặt như sau:
· Cách thức soạn bài: Giáo Lý Viên cần phải xác định đượcngay từ đầu 8 điểm quan trọng dưới đây của một bài Giáo Lý:
1. Chủ đề chung của bài: Mỗi năm học Giáo Lý đều có một chủđề chung duy nhất, thâu tóm toàn bộ nội dung các phần, các bài sẽ được dạy. Chủ đề chung này sẽ được ghép vào với từng chủ đề riêng. Ví dụ: Lớp Một chương trình Giáo Lý của Giáo Phận Sài-gòn có chủ đề chung là: “Chúa yêu con”.
2. Chủ đề riêng của bài: Sẽ có từng loạt nhiều bài nằm trong mộtchủ đề riêng được khai triển từ một chủ đề chung của năm học Giáo Lý. Như ở ví dụ vừa nêu, chủ đề chung ”Chúa yêu con” có tất cả 3 chủ đề riêng như sau:

Phần 1: Chúa yêu con, cho con mọi sự
Phần 2: Chúa yêu con, cho con biết Chúa
Phần 3: Chúa yêu con, đến ở với con.
3. Đề tài riêng của bài: Đề tài cũng chính là tên của từng bài, là nội dung mà bài muốn đề cập đến. Có thể nói đề tài của bài là bản toát yếu cô đọng nhất của bài. Từ một chủ đề riêng, các đề tài được triển khai, quảng diễn thành nhiều bài, để từ đó Giáo Lý Viên dễ dàng giúp các em từng bước nắm được từng ý lực, từng chủ đề riêng có liên quan chặt chẽ với nhau trong một năm học. Như ở ví dụ đề cập trên đây, Chủ đề phần 1 là: “Chúa yêu con, cho con mọi sự” là chủ đề riêng của 4 bài:

Bài 01: Chim trời, cá biển hãy chúc tụng Thiên Chúa.
Bài 02: Mặt trời, mặt trăng hãy ca ngợi Thiên Chúa.
Bài 03: Thiên Chúa cho chúng ta tất cả, vì Người là Cha ta.
Bài 04: Chúa dựng nên chúng ta giống Chúa.
4. Khởi điểm của từng bài: Chúng ta có thể thấy ngay khởi điểm của mỗi bài nằm ở ngay trong đề tài cũng là tựa đề, tên gọi của bài. Từ khởi điểm này, Giáo Lý Viên sẽ bắt đầu câu chuyện với các em. Đối với các độ tuổi thiếu nhi, bài giảng áp dụng phương pháp quy nạp, nên Giáo Lý Viên sẽ có khởi điểm là những chuyện, những sự vật gần gũi quen thuộc mà các em tiếp xúc và thấy thường ngày chung quanh mình. Với ví dụ nêu trên, khởi điểm của bài 01 chính là chuyện con chim trên trời, con cá dưới biển...
5. Đích điểm của bài: Rõ ràng mục tiêu của bài Giáo Lý ở đâykhông giống như ở trường Phổ Thông, chúng ta không nhắm cung cấp cho các em kiến thức khoa học thường thức, chúng ta chỉ mượn chuyện con chim, con cá để dẫn các em đến với đích điểm là nhận ra Thiên Chúa chính là Đấng đã tạo dựng nên con chim, con cá và trao tặng cho con người, cho các em được hưởng dùng.
6. Xác tín của bài: Từ đích điểm đã đạt được sau khi diễn giảngcho các em, Giáo Lý Viên sẽ dẫn các em tới một xác tín quan trọng. Tắt một lời, bao giờ đích điểm của bài Giáo Lý cũng là tuyên xưng một chân lý về Thiên Chúa. Tất cả mọi đích điểm của mọi bài Giáo Lý đều đã được cô đọng trong Kinh Tin Kính. Ví dụ: Thiên Chúa là Đấng Tạo Dựng nên mọi sự; Thiên Chúa là Đấng Quan Phòng; Thiên Chúa là Tình Yêu; Đức Giê-su là Con Một của Thiên Chúa Cha; Đức Giê-su là Đấng Cứu Độ...
7. Tâm tình của bài: Từ xác tín vào Thiên Chúa, Giáo Lý Viên lạiđưa dẫn các em vào tâm tình chính yếu của bài như một thái độ đáp trả xứng đáng của bản thân các em với Thiên Chúa. Tâm tình này sẽ được Giáo Lý Viên lồng vào phút cầu nguyện đỉnh cao trong bởi dạy Giáo Lý. Có thể đó là một lời tạ ơn Thiên Chúa đã tạo dựng cho em, đã tạo dựng nên chính em, cũng có thể đó là lời tôn vinh chúc tụng quyền năng của Thiên Chúa...
8. Thực hành của bài: Giáo Lý Viên dặn dò các em những việc,những điều thực hành cụ thể nho nhỏ và vừa tầm trong cuộc sống của các em được rút ra từ kết luận của bài Giáo Lý. Ví dụ: Em sẽ vâng lời cha mẹ, các thầy cô; Em sẽ sống dễ thương nhân ái với bạn bè; Em sẽ không nói tục chửi thề hay đánh nhau; Em sẽ tôn trọng thiên nhiên và môi trường bằng cách không bẻ cành vặt hoa hay xả rác bừa bãi...
8 điểm mấu chốt quan trọng vừa nêu sẽ được trình bày như mộtcái khung của Giáo Án từng bài, cứ lần lượt theo đó để đặt ra các câu hỏi cho các em khi diễn giảng.
· Mỗi Giáo Lý Viên phải soạn bài đầy đủ, cho dù đã có sẵn thủbản hay giáo trình Giáo Lý trong tay. Dứt khoát không nên lấy sách bổn ra đọc, cắt nghĩa, và bắt các em chép vào tập. Bài soạn phải trình bày rõ ràng, chu đáo trong sổ giáo án.
· Sau khi đứng lớp, nên có bước tự lượng giá, ghi chú thêm vào cuối phần bài soạn của mình những sáng kiến tự phát của mình đã có trong lúc giảng, cũng như những phản ứng tinh tế từ phía các em ( uể oải, chán ngán, khó hiểu, hoặc hăng hái, hứng khởi, mau tiếp thu, đặt ra nhiều thắc mắc chính đáng, đưa ra được những nhận xét độc đáo... ) để buổi dạy sau và năm học sau có thể tham khảo, canh tân, gia giảm.
· Thỉnh thoảng Cha Sở hoặc người phụ trách Ban Giáo Lý có thể kiểm tra, góp ý, giới thiệu những sổ giáo án đạt hiệu quả mẫu mực cho toàn Ban Giáo Lý cùng nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Những anh chị em Giáo Lý Viên kỳ cựu, vì lý do nào đó phải nghỉ dạy, có thể gửi lại các sổ giáo án các năm đã dạy để lưu trong tủ sách tham khảo chung của Ban Giáo Lý.
· Có thể tổ chức soạn bài chung trong một nhóm Giáo Lý Viên cùng phụ trách một cấp lớp như: khối Khai Tâm, Thánh Thể, Thêm Sức, Tuyên Tín ( Bao đồng ), Vào Đời...
Diễn tiến một buổi họp soạn bài chung được đề nghị như sau:
· Mỗi nhóm Giáo Lý Viên cùng cấp, cùng khối sẽ tự hình thành theo các phương pháp Nhóm Ong hoặc Hoạt Động Xưởng ( Các phương pháp Buzz-Group hoặc Système d’Atelier – xin xem thêm Tuyển Tập Nối Lửa Cho Đời số 1 ). Trưởng Nhóm là một Linh Hoạt Viên sẽ đọc đề tài và nội dung cần soạn, mỗi người trong Nhóm suy nghĩ và cầu nguyện riêng trong khoảng 5 – 10 phút.
· Lần lượt từng Giáo Lý Viên trình bày ý kiến, một người làm thư ký ghi nhận, tất cả chưa vội bàn cãi tranh luận hay quyết định chọn lựa một ý kiến nào ngay. Có thể dùng các phương pháp Lập Phiếu và Động Não ( Các phương pháp Fichier và Brain Storming – xin xem thêm Tuyển Tập Nối Lửa Cho Đời số 1 ) để tiến hành thu nhặt ý kiến nhanh và đầy đủ chi tiết liên quan đến bài Giáo Lý.
· Trưởng Nhóm dựa vào ý chính của bài Giáo Lý ( có thể dựa vào một giáo trình gốc, một tài liệu thủ bản Giáo Lý chuần xác nào đó ), cứ theo trình tự từng phần của giáo án đòi hỏi mà chọn ra và đúc kết những nét quan trọng cốt yếu mà mọi người đều cùng đồng ý. Tất cả cùng ghi nhận vào sổ giáo án của mình.
· Cả Nhóm lại cùng nhau tìm chọn thái độ tâm linh, tức là nhữngtâm tình sống cho các em, chọn đoạn Lời Chúa thích hợp, tìm các kinh nghiệm sống có thể giúp các em hiểu bài và nhớ bài, đề nghị các tài liệu nghe – nhìn ( nếu có và nếu cần ), các bài hát và câu truyện minh họa, các trò chơi sinh hoạt ứng với bài Giáo Lý đang soạn.

IV. KẾT LUẬN:
Hiệu quả từ một công việc làm chung theo Nhóm bao giờ cũng cao hơn việc làm đơn độc. Nội dung của bài Giáo Lý trong cùng một cấp, một khối được bảo đảm đồng nhất, chính xác mà vẫn phát huy được tính đa dạng phong phú của mỗi cá nhân khi giảng dạy thật sự.
Hơn nữa tình thân của các Giáo Lý Viên trong một Nhóm cũng nhờ đó mà càng trở nên gắn bó, làm cho sự đoàn kết trong Ban Giáo Lý thêm bền vững.
Dẫu sao, các phương pháp năng động Nhóm có hiệu quả đến đâu, vẫn cần luôn nhớ: Hãy dành chỗ cho Chúa Thánh Thần tác động.
admin
admin
Admin

Tổng số bài gửi : 107
Join date : 08/07/2011
Age : 33
Đến từ : Ho Chi Minh city

https://glv-bx.forumvi.com

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết